Hiện nay Việt Nam có khoảng 60 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì, mỗi năm sản xuất khoảng 800.000 – 1.200.000 tấn sản phẩm. Thị trường xuất khẩu tinh bột khoai mì chính vẫn là Trung Quốc, chiếm 60-70% kim ngạch, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
1. Sơ lược về thị trường tinh bột mì thế giới:
- Hội nghị thượng đỉnh ngành công nghiệp tinh bột thế giới lần 2 (năm 2013) vừa diễn ra tại TP.HCM, với sự tham gia của hơn 200 chuyên gia và nhà khoa học đến từ 20 quốc gia và lãnh thổ trên khắp thế giới. Theo báo cáo tại hội nghị, nhu cầu tiêu thụ tinh bột toàn cầu dự kiến tăng lên 133,5 triệu tấn vào năm 2018. Hiện nay Việt Nam có khoảng 60 nhà máy chế biến tinh bột mì, mỗi năm sản xuất khoảng 800.000 – 1.200.000 tấn sản phẩm. Thị trường xuất khẩu tinh bột mì chính vẫn là Trung Quốc, chiếm 60-70% kim ngạch, tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
- Ngày nay, tinh bột mì biến tính càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: thực phẩm, công nghiệp, giấy…., ước tính thị trường tiêu thụ tinh bột mì biến tính của Nhật Bản là 400.000 tấn/năm, Trung Quốc khoảng 800.000tấn/năm và nhu cầu bột biến tính của Đài Loan cũng tương đối lớn. Trong khi đó, các nguồn cung cấp chủ yếu từ Thái Lan khoảng 850.000 tấn/năm; nhu cầu Việt Nam hiện nay khoảng 200.000tấn/năm, phần lớn phải nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng từ 10-15%. Trong thời gian gần đây, thị trường tinh bột mì biến tính trong nước đã phát triển, nhất là cung cấp cho ngành thực phẩm ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Một số ứng dụng của tinh bột mì biến tính:
+ Trong thực phẩm: làm phụ gia cho công nghiệp bánh kẹo, đồ hộp, sữa chua, tương ớt, tương cà, súp, bánh bột thạch, các loại nước sốt, bánh puding, jămbon, xúc xích, thức ăn đóng hộp và thức ăn đông lạnh.
+ Trong công nghiệp: dùng trong hồ vải sợi, in; dùng để chế tạo chất phủ bề mặt, thành phần nguyên liệu giấy không tro, các sản phẩm tã giấy cho trẻ em; dùng làm phụ gia cho tuyển nổi khoáng sản, dung dịch nhũ tương trong dung dịch khoan dầu khí; dùng làm phấn tẩy trắng, đồ trang điểm, phụ gia cho xà phòng, kem thoa mặt, tá dược.
+ Trong nông nghiệp: dùng làm chất trương nở, giữ ẩm cho đất và cây trồng chống lại hạn hán.
+ Và một số ứng dụng khác: dùng làm chất gắn kết bê tông, tăng tính liên kết cho đất sét, đá vôi, dùng làm keo dính gỗ, phụ gia sản xuất ván ép, phụ gia cho sơn; làm màng plastic phân huỷ sinh học, pin khô, thuộc da, keo nóng chảy, chất gắn, khuôn đúc, phụ gia nung kết kim loại…
- Giá trị tăng lên của tinh bột khoai mì biến tính: từ 15-50% so với tinh bột gốc.
2. Đổi mới công nghệ thiết bị sản xuất tinh bột gốc để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và định hướng thị trường khách hàng cho các sản phẩm tinh bột biến tính:
Bên cạnh các yếu tố về nguyên liệu, môi trường; trong bài viết này chủ yếu đề cập đến yếu tố công nghệ thiết bị và thị trường khách hàng cụ thể (vì có rất nhiều loại tinh bột khoai mì biến tính sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau) để tạo ra thị trường bền vững.
2.1. Tinh bột mì gốc (chưa qua biến tính): thông thường để sản xuất tinh bột thì cần trải qua các công đoạn như tách xác, tách dịch bào, tách nước và sấy khô, cần bố trí nhiều thiết bị, tiêu tốn nhiều nước, điện và nhân công vận hành; tuy nhiên để tiết kiệm chi phí, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường cần phải đổi mới công nghệ thiết bị, cụ thể là:
- Nếu một công đoạn tách dịch bào thông thường cần đến 03 máy phân ly thì nay chỉ thay thế bằng 01 máy Hydrocyclone là đủ, và thiết bị này tiêu tốn ít điện, ít nước; đồng thời tạo ra sản phẩm có tính ổn định và chất lượng cao hơn.
- Mặt khác để tăng năng suất lao động, tiết giảm lao động, hạ giá thành sản phẩm thì cần từng bước chuyển sang tự động hóa dây chuyền sản xuất: chẳng hạn với nhà máy công suất 200 tấn tinh bột/ngày thì cần khoảng 100 lao động để vận hành và điện năng tiêu thụ cho mỗi tấn sản phẩm là 170kW, nhưng nếu đầu tư tự động hóa thì với công suất hiện tại, số lao động sẽ còn khoảng 50 người vận hành và điện năng tiêu thụ còn khoảng 155kW/tấn.
Thiết bị ly tâm tách dịch bào Hydro Cyclone
2.2. Tinh bột mì biến tính: có hàng trăm loại tinh bột biến tính, đây là sản phẩm rất đa dạng về chủng loại mà chính nhà sản xuất cũng không thể bao quát hết vì vậy phải thông qua khách hàng để định hướng chủng loại cụ thể; thậm chí thông qua hệ thống khách hàng có thể chia sẻ về công nghệ, kinh nghiệm và bí quyết để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, giảm giá thành. Một số định hướng:
- Chúng ta có lợi thế là có rất nhiều đơn vị trong nước sản xuất tinh bột gốc, trong khi tinh bột biến tính là loại sản phẩm được biến tính từ tinh bột gốc vì vậy nếu một đơn vị trực tiếp sản xuất tinh bột biến tính từ tinh bột gốc thì riêng giá thành đã giảm được từ 6-8%, hơn nữa việc đầu tư thiết bị và công nghệ để sản xuất bột biến tính không quá phức tạp, cũng không tốn nhiều vốn đầu tư; vấn đề là chọn chủng loại thông qua hệ thống khách hàng sao cho phù hợp với cơ sở vật chất cũng như trình độ lao động hiện có.
- Trước mắt có thể chọn sản xuất một số loại tinh bột biến tính thông dụng như sau:
+ Bột Acetate: giá trị tăng lên so với bột gốc từ 25-35%, ứng dụng trong ngành công nghiệp như: mì ăn liền, thức ăn nhanh đông lạnh, kem, bánh tráng, sủi cảo, thức ăn thủy sản.
+ Bột Phosphate: giá trị tăng lên so với bột gốc từ 15-25%, ứng dụng làm chất tăng độ đặc và tính ổn định cho thực phẩm, làm chất độn cho máy in, ngành giấy, sản xuất mì ăn liền, xúc xích, cá viên, thịt viên...
+ Bột kép Acetylated phosphate: giá trị tăng lên so với bột gốc từ 30-40%, ứng dụng trong các sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh, nước chấm, tương ớt, tương cà, thịt hộp, cá hộp, chả cá viên, nước yến, các loại bánh nướng và các thực phẩm quay nướng,….
+ Bột biến hình bằng vật lý: giá trị tăng lên so với bột gốc từ 35-50%, ứng dụng trong một số sản phẩm cần đến độ đặc, giữ nước, làm tăng độ trong suốt…
Tóm lại sản xuất nguyên liệu củ tươi và chế biến tinh bột mì gốc là thế mạnh của các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong đó có Quảng Ngãi. Để lợi thế này được tiếp tục phát huy và bền vững trong thị trường mậu dịch khoai mì Việt Nam và thế giới chúng ta cần nhanh chóng đổi mới công nghệ chế biến tinh bột mì gốc để hạ giá thành sản phẩm, ứng dụng công nghệ sản xuất tinh bột biến tính để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chuỗi giá trị sản xuất khoai mì hiện nay./.